NHiễm HP – Cảnh giác với nguy cơ ung thư dạ dày
VI KHUẨN HP LÀ GÌ?
HP – tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc H. pylori – một loại vi khuẩn Gram âm, hình xoắn sống trong lớp chất nhầy bao phủ niêm mạc bên trong dạ dày của con người.
Để tồn tại trong môi trường axit khắc nghiệt của dạ dày, HP tiết ra một enzyme gọi là urease, phân hủy ure thành amoniac làm trung hòa axit dịch vị xung quanh nó. Ngoài ra, với cấu tạo 4 – 6 lông mảnh ở đầu, chúng có khả năng luồn sâu xuống phía dưới lớp nhầy, nơi có môi trường trung tính hơn, thậm chí chúng có thể gắn vào các tế bào niêm mạc của dạ dày.
Cách mà HP tấn công dạ dày của bạn
Mặc dù các tế bào miễn dịch thông thường của cơ thể có thể nhận ra và tấn công vi khuẩn HP, nhưng các tế bào miễn dịch lại không thể tới được vùng niêm mạc dạ dày – nơi mà HP có thể cư trú. Ngoài raHP còn có khả năng làm gián đoạn phản ứng miễn dịch, do đó việc loại trừ HP của hệ miễn dịch kém hiệu quả.
HP đã tồn tại cùng với sự tồn tại của con người từ hàng ngàn năm nay, tình trạng nhiễm HP ngày càng trở nên rất phổ biến. Theo ước tính của trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC – Hoa Kỳ), có khoảng hai phần ba dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP. Trong đó, tỷ lệ nhiễm ở các nước đang phát triển cao hơn nhiều so với ở các nước phát triển. Xong không phải tất cả những người nhiễm HP đều bị bệnh. Chúng là yếu tố nguy cơ chính đối với viêm loét dạ dày – tá tràng và là thủ phạm của phần lớn các vết viêm loét xuất hiện ở dạ dày và tá tràng – phần đầu của ruột non (H. pylori gây ra hơn 90% trường hợp loét tá tràng và 80% trường hợp loét dạ dày).
Năm 1994, cơ quan Quốc tế nghiên cứu về Ung thư phân loại H. pylori như một chất sinh ung thư hoặc tác nhân gây ung thư ở người, mặc dù kết quả vẫn còn mâu thuẫn vào thời điểm đó. Kể từ đó, sự xuất hiện của HP trong dạ dày ngày càng được chấp nhận là một nguyên nhân quan trọng của ung thư dạ dày và ung thư hạch bạch huyết ( lymphoma MALT).
UNG THƯ DẠ DÀY VÀ NHỮNG CON SỐ ĐÁNG BÁO ĐỘNG
Các nhà khoa học phân chia ung thư dạ dày làm 2 loại: ung thư tâm vị dạ dày (Gastric cardia cancer) – bao gồm cả thực quản và ung thư không phải tâm vị (Non-cardia gastric cancer) – tức ung thư xuất hiện ở các phần còn lại của dạ dày.
Theo Viện Ung thư quốc gia của Mỹ (National Cancer Institute) ước tính, có khoảng 21.600 người Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày và 10.990 người chết vì ung thư này trong năm 2013. Đây là nguyên nhân thứ hai gây ra tử vong vì ung thư trên thế giới, giết chết khoảng 738.000 người vào năm 2008. Đối với các nước trong khu vực châu Á và Nam Mỹ, tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày còn nhiều hơn so với Mỹ các nước phương Tây. Ở Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu thì mỗi năm ở nước ta có từ 11000 – 12000 người mắc mới bệnh ung thư dạ dày và hơn 8000 người tử vong. Đây là những con số đáng báo động.
BẰNG CHỨNG NÀO CHỨNG MINH HP GÂY RA UNG THƯ DẠ DÀY?
Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng, những cá nhân nhiễm HP có nguy cơ cao bị ung thư tế bào tuyến dạ dày. Ví dụ, một phân tích kết hợp của 12 nghiên cứu bệnh chứng về vi khuẩn HP và bệnh ung thư dạ dày vào năm 2001đã ước tính rằng nguy cơ ung thư tế bào tuyến của dạ dày ở vùng không phải tâm vị tăng gần sáu lần ở những người bị nhiễm H. pylori so với những người không bị nhiễm.
Một bằng chứng khác về mối liên hệ giữa việc nhiễm HP và ung thư dạ dày là một nghiên cứu thuần tập tiến cứu như anpha – tocopherol, beta – carotene ở Phần Lan trên 30 nghìn nam giới hút thuốc ở độ tuổi từ 50 – 69, được theo dõi từ năm 1985 – 1999. Mục đích của nghiên cứu là xác định xem việc bổ sung alpha – tocopherol hoặc beta – carotene hoặc cả hai có làm giảm số ca ung thư phổi và các ung thư khác hay không. Tình trạng nhiễm HP được xác định thông qua xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng lại HPcủa mỗi bệnh nhân. Kết quả cho thấy, cá nhân nhiễm HP có nguy cơ cao hơn 4 lần bị ung thư dạ dày so với nhóm đối.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN HP?
Một số phương pháp xét nghiệm có thể sử dụng để chẩn đoán nhiễm HP như:
– Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống lại HP. Tuy nhiên kháng thể này tồn tại trong máu trong thời gian khá dài, kể cả khi người bệnh đã hết nhiễm HP. Do vậy xét nghiệm này không có tính đặc hiệu, không thể xác định chính xác hiện tại người bệnh có còn nhiễm HP hay không.
Test hơi thở kiểm tra HP
– Kiểm tra hơi thở (test thở): Phương pháp này sử dụng carbon đánh dấu C13 hoặc C14 để kiểm tra sự có mặt của men urease do vi khuẩn HP tiết ra. Men này phân hủy ure thành CO2 và amoniac, nếu có HP sẽ thu được CO2 có chứa cacbon đánh dấu trong khí thở ra. Xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chính xác, đơn giản và an toàn.
– Xét nghiệm qua nội soi dạ dày: Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ niêm mạc dạ dày (sinh thiết) để làm một số xét nghiệm chẩn đoán HP như: clo – test; sử dụng kính hiển vi; nuôi cấy tìm vi khuẩn.
NHỮNG AI NÊN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ NHIỄM TRÙNG HP?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, người có bệnh lý viêm loét dạ dày – tá tràng đang trong giai đoạn hoạt động hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng nên xét nghiệm để kiểm tra sự có mặt của HP. Và nếu có sự nhiễm trùng vi khuẩn này, họ cần phải được điều trị. Những bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ ung thư dạ dày giai đoạn sớm hoặc u MALT mức độ thấp cũng được khuyến cáo xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng HP.
DIỆT HP NHƯ THẾ NÀO?
Theo tây y, thời gian điều trị HP thường kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần. Với phác đồ kết hợp 1 – 2 thuốc kháng sinh, chẳng hạn như amoxicillin, tetracyclin (không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi), metronidazol hoặc clarithromycin cùng với 1 thuốc bismuth bao phủ ổ loét hoặc 1 thuốc ức chế tiết axit (thuốc kháng histamin H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton). Sự kết hợp của các thuốc như vậy sẽ giúp nâng cao hiệu quả của kháng sinh chống lại HP, chữa lành vết loét và giảm các triệu chứng liên quan như đau bụng, buồn nôn….
Hiện nay, đã có 8 phác đồ điều trị HP được cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn. Tuy nhiên, tỷ lệ diệt trừ HP từ các phác đồ đó cũng không đạt hiệu quả tối đa, hiệu quả điều trị từ các phác đồ chỉ dao dộng trong khoảng 61 – 94 %. Điều này được giải thích là do tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng và sự không tuân thủ của bệnh nhân trong điều trị. Mặt khác việc điều trị bằng thuốc tây gây ra cho bệnh nhân rất nhiều tác dụng không mong muốn, do đó việc sử dụng thuốc tây y diệt HP đang là vấn đề còn nhiều bất cập.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!